Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) vừa công bố Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 16 – Chuẩn mực kế toán thuê tài sản (IFRS16) thay thế Chuẩn mực kế toán quốc tế số 17 (IFRS17) hiện hành – Các hướng dẫn thuê tài sản. IFRS16 mới loại bỏ gần như tất cả việc “Kế toán ngoài báo cáo tình hình tài chính” của bên đi thuê.
Đây là một trong những
tiến bộ lớn đối với các chuẩn mực kế toán trong thập kỷ qua, giúp đơn giản hóa
việc ghi nhận thông tin kế toán đối với khoản hỗ trợ của bên cho thuê đối với
bên đi thuê tài sản, nhất là trước những tác động xấu của dịch Covid-19. Bài
viết tìm hiểu IFRS16 trước và sau khi sửa đổi, đồng thời chỉ ra những ảnh hưởng
và việc cần làm để đáp ứng việc áp dụng chuẩn mực trong bối cảnh đại dịch
Covid-19.
Những điểm chính trong
IFRS 16 và sự khác biệt với IAS 17
Chuẩn mực IFRS16 được
Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) ban hành sau khi hoàn thành dự án kéo
dài trên 30 năm về việc sửa đổi nguyên tắc kế toán thuê tài sản. Việc sửa đổi
này bắt nguồn từ việc IASB cho rằng, Chuẩn mực kế toán quốc tế số 17 (IAS17) -
Thuê tài sản phân chia hai loại hình thuê hoạt động và thuê tài chính là không
phù hợp, dẫn đến quá nhiều cơ cấu và thông tin tài chính ngoại bảng.
Với định hướng xóa bỏ
khác biệt giữa thuê hoạt động với thuê tài chính và kế toán các khoản thuê tài
sản trên bảng cân đối kế toán, IASB đã đề xuất phương pháp kế toán duy nhất cho
tất cả các hình thức thuê tài sản (tương tự như thuê tài chính theo IAS17).
Theo đó, nguyên tắc kế toán chính theo IFRS16 yêu cầu các tổ chức là bên đi
thuê tài sản cần kế toán tài sản thuê trên “Bảng cân đối kế toán” với giá trị
ghi nhận là “Quyền sử dụng” tài sản và nghĩa vụ thuê tài sản tương ứng. Nguyên
tắc kế toán này có nhiều khác biệt so với IAS17 trong việc kế toán các khoản
thuê hoạt động.
Nội dung chính của
IFRS16 gồm: Thay đổi định nghĩa về thuê tài sản; đưa ra các yêu cầu về phương
pháp kế toán tài sản và nghĩa vụ, bao gồm các hợp đồng phức hợp về: Thanh toán
tiền thuê biến đổi và các giai đoạn thuê tùy chọn; thay đổi về kế toán các thỏa
thuận bán và thuê lại; giữ lại phần lớn các nội dung kế toán đối với tổ chức là
bên cho thuê theo IAS17; giới thiệu các yêu cầu về công bố thông tin mới…
Ảnh hưởng do áp dụng
IFRS16: Ngoài việc cập nhật các chính sách, quy trình và hệ thống kế toán tài
chính hiện hành, áp dụng IFRS 16 còn ảnh hưởng đến việc ghi nhận về kiểm soát
và hợp đồng. Ngoài ra, IFRS 16 yêu cầu bổ sung một số lượng lớn các thông tin công
bố trên báo cáo tài chính (BCTC) và thông tin về các hoạt động quản lý thuê tài
sản.
Các đơn vị lập BCTC theo
IFRS cần cân nhắc các thay đổi do áp dụng IFRS16 đối với: Chính sách kế toán và
trình bày thông tin; áp dụng xét đoán và ước tính; cập nhật các kiểm soát nội
bộ liên quan và phản ánh thay đổi đối với chính sách và quy trình kế toán; cập
nhật hệ thống để thu thập, xử lý và duy trì các thông tin thuê tài sản, thuế,
tuân thủ với cam kết các khoản vay. Đối với các trường hợp thuê tài sản, tổ
chức báo cáo có quyền lựa chọn miễn áp dụng IFRS16: tài sản thuê có giá trị
thấp (khoảng 5.000 USD); thời hạn thuê ngắn (dưới 12 tháng).
IFRS16 trước và sau khi
sửa đổi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
IFRS16 trước khi sửa đổi
- IFRS 16 yêu cầu bên đi
thuê xác định xem khoản hỗ trợ của bên cho thuê đối với bên đi thuê có phải là
một phần của hợp đồng thuê tài sản ban đầu hay không.
- Đối với khoản sửa đổi
hợp đồng thuê tài sản phát sinh từ việc bên cho thuê tài sản hỗ trợ đối với bên
đi thuê tài sản do ảnh hưởng của đại dịch, việc sửa đổi hợp đồng thuê này không
ảnh hưởng (tăng/giảm) tới phạm vi thuê tài sản.
- Nếu như khoản hỗ trợ
của bên cho thuê đối với bên đi thuê không phải là một phần của hợp đồng thuê
tài sản ban đầu thì: Giá trị nợ phải trả về thuê tài sản được xác định lại bằng
cách chiết khấu khoản thanh toán tiền thuê điều chỉnh sử dụng lãi suất chiết
khấu điều chỉnh; Thực hiện điều chỉnh giảm tương ứng đối với quyền sử dụng tài
sản thuê.
IFRS16 sau khi sửa đổi
IFRS 16 cho phép (nhưng
không bắt buộc) bên đi thuê tài sản không cần phải xác định các khoản hỗ trợ do
ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 có phải là một khoản sửa đổi hợp đồng thuê tài
sản hay không.
Thay vào đó, bên đi thuê
có thể kế toán các khoản hỗ trợ này như là chúng không phải là một khoản sửa
đổi hợp đồng thuê.
Để áp dụng mô hình này,
bên đi thuê tài sản phải thỏa mãn đồng thời cả ba điều kiện sau: (1) Khoản tiền
thuê tài sản sau điều chỉnh gần bằng, hoặc nhỏ hơn so với giá trị trước điều
chỉnh; (2) Các khoản giảm giá tiền thuê (nếu có) chỉ kéo dài tối đa tới hết
ngày 30/06/2021; (3) Các điều khoản khác của hợp đồng không thay đổi.
Như vậy, nếu bên cho
thuê hỗ trợ bên đi thuê tài sản mà các khoản giảm giá tiền thuê kéo dài qua
ngày 30/6/2021 thì bên đi thuê sẽ không được phép áp dụng mô hình ghi nhận này.
Nếu bên đi thuê tài sản lựa chọn áp dụng mô hình ghi nhận trên, bên đi thuê sẽ
phải áp dụng mô hình này cho tất cả các hợp đồng thuê tài sản có cùng tính
chất.
Khi một khoản điều chỉnh
số tiền thuê không được kế toán như một khoản sửa đổi hợp đồng thuê, bên đi
thuê tài sản có thể ghi nhận kế toán theo một trong hai cách sau: Một khoản
thanh toán tiền thuê biến đổi theo quy định tại đoạn 38b của chuẩn mực; Hoặc
đánh giá lại nợ phải trả về thuê tài sản theo quy định của đoạn 39-43 của chuẩn
mực.
Khoản hỗ trợ của bên cho
thuê đối với bên đi thuê tài sản có thể bao gồm một số khoản sau: Giảm tiền
thuê trong một khoảng thời gian; Miễn phí tiền thuê trong một số tháng; Lùi
thời hạn trả nợ thuê; hoặc giảm tiền thuê trong một khoảng thời gian, đồng thời
tăng tiền thuê trong khoảng thời gian sau đó. Như vậy, các khoản hỗ trợ trên
không làm ảnh hưởng tới thời hạn thuê trong hợp đồng, cũng như đánh giá về khả
năng thực hiện quyền mua tài sản và do vậy, không thuộc trường hợp áp dụng đoạn
40-41 của chuẩn mực.
Minh họa áp dụng thực
tiễn
Ngày 01/01/2019, Công ty
A cho Công ty B thuê địa điểm để mở nhà hàng với tiền thuê là 400 triệu
đồng/tháng (tương đương 4,8 tỷ đồng/năm), thời hạn thuê là 5 năm, tiền thuê
thanh toán tại thời điểm cuối năm. Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, lãi
suất biên đi vay của B là 7%/năm.
Trong năm 2020, dịch
Covid 19 và lệnh giãn cách xã hội của Chính phủ đã tác động khá lớn tới hoạt
động của Công ty B, khiến doanh thu của Công ty B bị sụt giảm đáng kể.
Để hỗ trợ khách hàng
trong hoàn cảnh này, Công ty A quyết định miễn phí tiền thuê mặt bằng của Công
ty B trong quý II/2020 (tương đương 1,2 tỷ đồng).
Bảng xác định giá trị nợ
phải trả về thuê tài sản và giá trị quyền sử dụng tài sản trước khi điều chỉnh
cho khoản hỗ trợ trong năm 2020 của Công ty B như (Bảng 1):
Bút toán trong năm 2020
của Công ty B như sau:
Nợ “ Tài khoản Chi phí
tài chính”: 1.138.102.982 đồng.
Nợ “Tài khoản Nợ phải
trả về thuê tài sản”: 3.661.897.018 đồng.
Có “Tài khoản Tiền”:
3.600.000.000 đồng.
Có “Tài khoản Thu nhập
khác”: 1.200.000.000 đồng.
Một số ảnh hưởng tới đối
tượng sử dụng
Để nhận diện những đối
tượng sử dụng bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực IFRS 16 mới, PwC đã tiến hành một
nghiên cứu vốn thuê toàn cầu để đánh giá tác động của chuẩn mực này trên các
lĩnh vực báo cáo nợ, đòn bẩy, khả năng thanh toán và lợi nhuận trước lãi vay,
thuế, khâu hao (EBITDA) cho một mẫu của hơn 3.000 tổ chức niêm yết lập và trình
bày báo cáo theo chuẩn mực BCTC quốc tế hoạt động ở nhiều ngành và các nước
khác nhau. Nghiên cứu đã chỉ ra một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực IFRS
16 mới trên các thước đo chính về đòn bẩy tài chính và EBITDA.
Thực tế cho thấy, những ngành sử dụng nhiều tài sản
cho thuê sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ, điển hình như ngành bán lẻ, với nợ trung bình
sẽ tăng 98% và EBITDA 41%. Cũng nên lưu ý rằng, kế toán bên cho thuê sẽ không
thay đổi theo IFRS16 mới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chuẩn mực mới
không có liên quan tới bên cho thuê và họ cần phải xem xét Chuẩn mực này tác động
ra sao đến khách hàng và khả năng đàm phán thương mại với bên thuê.
Với bên đi thuê, IFRS16
mới sẽ tác động trên một số lĩnh vực sau: Các khoản nợ thuê hoạt động trong
tương lai sẽ được ghi nhận trên “Báo cáo tình hình tài chính” làm tăng đòn bẩy
tài chính. Những khoản nợ mới được bù đắp chủ yếu bởi “quyền sử dụng” tài sản
mới và ảnh hưởng tổng thể được phản ánh trên “Báo cáo tình hình tài chính”. Chi
phí thuê sẽ được thay thế bởi khấu hao và chi phí lãi vay trong báo cáo kết quả
hoạt động kinh doanh. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chi phí trích
trước và thay đổi cấu trúc của chi phí trong báo cáo kết quả hoạt động kinh
doanh với lợi nhuận trước thuế, lãi vay và EBITDA tăng.
Các tác động trên cũng
sẽ ảnh hưởng tới các thước đo và chỉ số quan trọng. Trong một số trường hợp,
các thước đo chính được giám sát bởi bên cho vay có thể bị ảnh hưởng, thậm chí
bị vi phạm do yêu cầu của IFRS 16. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của chuẩn mực mới
này vượt ra ngoài BCTC của một công ty. Các DN cũng cần phải đảm bảo họ có các
hệ thống và các quy trình có thể xác định tất cả các hợp đồng thuê tài sản và
tất cả các thông tin có liên quan cho việc kế toán trên cơ sở IFRS 16 mới –
trong vấn đề này các yêu cầu của IFRS16 sẽ trở nên khó khăn hơn.
Doanh nghiệp sẵn sàng áp
dụng chuẩn mực IFRS16
Nhiều công ty Việt Nam
đã sẵn sàng nỗ lực để chuẩn bị cho việc áp dụng chuẩn mực IFRS16 mới:
Chuẩn bị các hệ thống và
quy trình: Đối với các nhóm có số
lượng lớn hợp đồng thuê tài sản có thể có những ảnh hưởng lớn về hệ thống và
quy trình cần được chuẩn bị để sẵn sàng cho các yêu cầu của IFRS16.
Quản lý thông tin với
bên liên quan: Tìm hiểu và thông báo
với các bên liên quan (ví dụ quản lý cấp cao, các cổ đông và những người cho
vay) về ảnh hưởng của IFRS16 mới đối với BCTC để đảm bảo các thông tin chính có
thể được quản lý một cách thích hợp.
Tham gia vào các hợp
đồng mới: Thông tỏ về IFRS
16 có thể giúp tránh khỏi trường hợp tham gia một hợp đồng với DN mà việc tham
gia này sẽ gây hậu quả bất lợi kế toán. Mặc dù kế toán không cần thiết phải
điều chỉnh các thoả thuận thương mại, nhưng có thể cấu trúc các thỏa thuận mới
theo thực tế, giảm thiểu tác động của IFRS 16.
Ngoài ra, một số nội
dung DN cần quan tâm là: Hiểu được tác động tài chính của IFRS 16 đối với BCTC
và các thước đo chính của công ty; Đánh giá kịp thời về những vấn đề liên quan
đến cơ cấu và các bên liên quan bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi các chỉ số và
thước đo tài chính, để giúp DN chủ động thoả thuận với các bên liên quan.
Trường hợp DN có một
khối lượng lớn các hợp đồng thuê tài sản, việc triển khai áp dụng chuẩn mực
IFRS 16 mới sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian, vì thế các DN cần có kế hoạch
và chuẩn bị cho phù hợp, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn
ra phức tạp như hiện nay.
Dịch vụ kế toán CAF
No Comment